Món Lạ

Cua đá Cù Lao Chàm & câu chuyện dán nhãn

cua-da-cu-lao-cham

Nếu bạn chưa biết gì về Cù Lao Chàm, thì nên đọc trước bài Khám Phá Cù Lao Chàm mình đã viết. Khi có dịp đến du lịch tại đây, cho dù theo tour hay tự túc thì chắn chắn khu vực Bãi Làng là nơi sẽ ghé lại vì là bến tàu cập vào Cù Lao Chàm. Bãi Làng có cái chợ nhỏ nơi người dân bán hải sản cho du khách. Nếu đến đây từ tháng 4 đến tháng 8, ngoài các loại hải sản bán trong thau, sẽ thấy có vài cái lồng sắt nhốt cua, be bé, màu tim tím, trên lưng có cái nhãn như kiểu tem chống hàng giả, đó chính là cua đá Cù Lao Chàm.

Cù Lao Chàm
Một góc Cù Lao Chàm
Cua đá Cù Lao Chàm
Cua đá Cù Lao Chàm, chân dung em nó

Cái nhãn là chứng thực hợp pháp cho việc buôn bán cua đá ở Cù Lao Chàm. Bán cua không có nhãn, nếu phát hiện là bị xử phạt hình chính đấy nhé. Ở các nước phát triển, ý thức bảo vệ môi trường của người dân rất tốt, được giáo dục từ nhỏ nên câu chuyện người ta đi câu cá và tự giác thả những con chưa đủ kích thước quy định là hết sức bình thường. Ở Việt Nam thì chưa được vậy, bắt con nào là “xào” con đó :).

Cua đá Cù Lao Chàm là một ví dụ. Ở cái thời mà du lịch chưa phát triển, đi ra Cù Lao Chàm còn nhiều khó khăn, cua đá sinh sôi đầy cả đảo, bò cả vào nhà người dân khi đến mùa “hò hẹn”. Khi du lịch phát triển, cua đá Cù Lao Chàm được xem là đặc sản và nhu cầu thưởng thức là quá lớn thì cua lớn nhỏ, đực cái gì cũng bị bắt tuốt và dẫn đến nguy cơ… cạn kiệt.

Các lồng bán cua đá ngoài chợ Cù Lao Chàm

Cái nhãn ra đời kèm các quy định đánh bắt là việc làm rất đáng hoan nghênh. Cái nhãn không chỉ với mục đích quy định về kích thước, số lượng cua đá được phép đánh bắt, mà còn đảm bảo cho sự phát triển của loại cua này. Bên cạnh mục tiêu cao hơn là giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi tự nhiên ở Cù Lao Chàm.

Thế cua đá Cù Lao Chàm có gì mà “hot” thế? tốn bao công sức để bảo tồn? Cua đá thực tế không chỉ có ở Cù Lao Chàm. Ở Việt Nam, loại cua này con có đảo ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, và đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Mình có hỏi anh Google thì ảnh nói ở Thái Lan và một vài nước khác cũng có cua đá tương tự. Tức cũng…khá hiếm.

Điểm lạ nữa là loại cua này phân bố tại các đảo ngoài biển nhưng lại sống ở trên cạn, khu vực núi đá, rừng cây. Cua cái sẽ ra biển đẻ trứng, cua con nở ra và quay lại khu vực trên cạn. Mình có hỏi người dân ở Cù Lao Chàm cua đá có nuôi được không thì được biết là cũng có người nuôi nhưng cua không lớn khi nuôi nhốt, có lẽ do nguồn thức ăn và tập quán di chuyển của cua đá. Mình có đọc bài báo nói ở Lý Sơn có người nuôi thành công, nhưng chỉ là bắt cua nhỏ về nuôi chứ không nhân giống được. Sẽ tìm hiểu thêm khi có dịp đi Lý Sơn.

Vì quy định gắt gao trong việc hạn chế đánh bắt nên cua đá Cù Lao Chàm cũng có giá khá… khủng, hiện tại có giá từ 1,3 đến 1,5 tr/kg. Đắt hơn hẳn so với các loại hải sản khác bày bán ở đây. Mức giá này cũng làm nản lòng nhiều người khi có ý định ăn thử.

Cua đá đang được nuôi nhốt chờ dán nhãn

Mình đến Cù Lao Chàm lần đầu năm 2014, sau một năm kể từ khi có quy định dán nhãn ra đời. Cũng nghe danh cua đá Cù Lao Chàm nên ăn thử cho biết. Nhà hàng tại bãi Chồng khi đó vẫn còn bán cua không nhãn. Và vì cũng chưa để ý lắm đến quy định này nên…lỡ ăn hết một em. Thiệt sự là không cảm nhận gì nhiều vì cua…bé quá, cua chưa đạt chuẩn. Kích thước quy định là mai cua phải đạt từ 7cm, tức khoảng 200 gr thì mới được phép bắt.

Lần quay lại Cù Lao Chàm, mình quyết tâm, chỉ mua cua có nhãn, với thiệt hại ở mức 1,3 tr/kg sau khi trả giá. Bỏ qua dụ dỗ của mấy anh xe ôm, có mách nhỏ là muốn ăn cua đá thì mấy ảnh chở về nhà, giá 9ook thôi, không có nhãn. Điều này cho thấy, ý thức người dân ở Cù Lao Chàm cũng thực sự chưa cao, dễ hiểu vì ai cũng lo cơm áo gạo tiền mà.

Vậy cua đá Cù Lao Chàm có gì ngon?. Hai con cua mình mua được khá lớn, tầm 300 gr/con, to hơn hẳn con từng ăn lần trước. Mang hấp để giữ nguyên được mùi vị cua đá. Kì này thì cảm nhận được nhiều hơn. Vỏ cua khá dày và cứng, thịt cua chắc và thơm, khác hẳn mùi cua biển, nhưng ăn không đã vì sớ thịt nhỏ và rời rạc, vỏ chiếm phần nhiều.

Cua Đá Cù Lao Chàm
Cua sau khi đã hấp chín

Cái ngon và lạ nhất của cua đá phải nói đến gạch cua. Cua đá rất nhiều gạch, kể cả con đực lẫn cái. Gạch cua có màu sẫm, vị hơi đắng, nhưng rất rất béo và thơm nồng mùi thảo dược. Rất lạ, không thể tìm được mùi này ở bất kì con cua nào khác. Mùi vị đặc biệt này có lẽ là do nguồn thức ăn của cua chủ yếu là lá hoặc rễ cây.

Cua Đá Cù lao Chàm
Phần gạch cua đá cóa màu sẫm và vị như thuốc bắc
Thịt cua rất chắc và ngọt

Người dân nói vui là cua này ăn chay nên rất tốt cho sức khỏe. Đối với các bạn không thích gạch cua thì coi như tiết kiệm được kha khá tiền để tha hồ ăn… ghẹ, hoặc các món hải sản khác.

Đấy, trả một mức giá khá đắt ăn cua đá để cảm nhận hương vị đặc biệt của gạch cua. Và hiểu thêm một câu chuyện rất hay về việc dán nhãn cho cua đá, một trong những việc rất nên làm và nhân rộng để duy trì nguồn lợi tự nhiên. Nên nếu bạn có dịp đến Cù Lao Chàm và có ý định ăn cua đá, nên chọn cua có dán nhãn để chung tay bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững nhé.

Share