
Đường ra đảo Thạnh An
Nhân một ngày cuối tuần rảnh rang và muốn đi đâu đó. Sực nhớ ở Cần Giờ còn đảo Thạnh An là chưa đi nên Peter chốt luôn, đổi gió Đảo Thạnh An bằng xe máy.
Xem thêm bài viết về Khu du lịch Dần Xây Cần Giờ
Thạnh An là một hòn đảo nằm ở khu vực cửa sông Sài Gòn đổ ra biển, cách biệt với huyện Cần Giờ vốn đã heo hút. Từ Cần Giờ phải đi tàu thêm khoảng 45 phút nữa để ra đảo.

Từ Nhà Bè, qua phà Bình Khánh, nhắm hướng Cần Giờ thẳng tiến. Đến ngã tư 30/04, nếu rẽ phải là hướng ra biển Cần Giờ và chợ Hàng Dương thì đi thẳng ra Xã Cần Thạnh. Đi khoảng 6 km thì hỏi người dân (hoặc Google Maps) hướng ra bến đò Cơ Khí, là nơi có tàu đi đảo Thạnh An.
Một ngày có nhiều chuyến tàu đi Thạnh An, vào cuối tuần thì cứ đủ khách là chạy. Peter xuất phát ở Sài Gòn lúc 6h30 sáng, và có mặt lúc 9h05, vừa kịp giờ tàu chạy.

Tàu ra đảo Thạnh An là loại tàu cá có cải tạo chút ít để chở khách. Ngoài khu vực phía trên boong tàu, còn có chỗ ngồi trong lòng tàu. Peter ra trễ nên ngồi… dưới đó, lót chiếu, trải nghiệm mới.


Cuối tuần nên lượng khách ra đảo rất đông. Tàu gần như kín chỗ từ trong ra ngoài, chen chúc đến tận mũi tàu. Nếu như ngồi trong lòng tàu bít bùng thì bên ngoài mát mẻ, nhiều thứ để ngắm.





Đảo Thạnh An có gì hay?
Sau hơn 40 phút túc tắc, tàu cập bến đảo. Vì đảo nhỏ nên chỉ cần đi bộ là được. Xe máy thì gửi ở bến đò Cơ Khí trước khi ra đảo. Trước tiên là đi lòng vòng đảo để hiểu hơn về cuộc sống người dân.
Nhìn chung bà con khá hiền và thân thiện. Nhà cửa san sát, đường nhỏ như trong hẻm. Cuộc sống thì cũng có vẻ đầy đủ mặc dù xa đất liền. Nghề chính là nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Nuôi Hàu là phổ biến nhất, chỗ nào cũng thấy bà con đổ miếng xi măng để Hàu bám vào.






Mặt ngoài của đảo thì một bên dùng để đậu thuyền, chắc là mặt kín gió. Mặt còn lại được đổ bờ kè đá xanh để tránh xâm thực, tránh sóng. Nơi có còn đường đá thần thánh chuyên sống ảo của giới trẻ.



Mất khoảng 45 phút cho việc thăm thú và đi hết đảo. Nhìn chung cũng không có gì đặc sắc. Đi Thạnh An cho biết là chính.
Hải sản Thạnh An rẻ không?
Tiếp theo là phần Peter quan tâm hơn, đi săn hải sản. Hải sản ở Thạnh An không bán tập trung ngoài chợ, hoặc bến tàu mà bán rải rác tại các quán trên đảo. Hải sản nhìn chung cũng đa dạng, nhưng cũng toàn món quen. Mỗi quán lại có những món khác nhau.





Giá hải sản ở Thạnh An không rẻ như mấy bài viết trên web. Chỉ rẻ hơn một chút so với ở Cần Giờ. Peter chốt một con tôm tít 350gr, size này rất khủng. Thêm một con cua gạch ăn thử vì ngoài Hào thì Cua rất nhiều ở Thạnh An.



Mấy quán hải sản ngoài đảo đều bao nấu, có chỗ ngồi mát mẻ, hoặc view sông nước, bao võng nghỉ. Có chỗ còn bao phòng nghỉ trưa.
Xong bữa trưa là 12h kém 5 phút. Tranh thủ ra tàu về Cần Giờ vì có chuyến lúc 12h. Vậy mà tàu nỡ chạy sớm 5 phút (vì đã đầy khách). Lỡ tàu, đành đợi chuyến tiếp theo lúc 1h, thực tế đến gần 2h mới chạy.

Tàu cập bến Cần Giờ lúc 14h30 chiều, còn khá sớm, Peter ranh thủ ghé chợ Hàng Dương để cập nhật hình hình bán buôn của bà con. Sẵn kiếm đồ ăn xế.
Ghé chợ Hàng Dương Cần Giờ
Chợ Hàng Dương vẫn đông vui sầm uất như ngày nào. Khu chợ chuyên hải sản này chia làm hai dãy, một dãy chuyên đồ tươi sống, một dãy chuyên hàng đã chế biến, tùy khách chọn.




Peter thì tín đồ của hải sản tươi sống và có thú vui tự chọn. Mình chốt vài món và nhờ chế biến. Ngoài Nghêu, Ốc Hương ở Cần Giờ rất tươi và ngon.

Xong bữa xế, tạm biệt Hàng Dương, mình chạy vào hướng xã Long Thạnh (hướng vào Resort Phương Nam Pearl), ghé mua ít xoài ăn tráng miệng và mang về làm quà.

Trải nghiệm đảo Thạnh An và kết hợp thêm chợ Hàng Dương là combo rất hợp khi đi Cần Giờ. Một ngày đổi gió và nạp năng lượng đầy đủ. Chia tay Cần Giờ, phóng xe máy về Sài Gòn trước khi trời tối.