Vài dòng cho Google Pixel 2
Nhân dịp đến Bangkok lần thứ n+1, lần này đi họp, Peter ở lại chơi Thái Lan thêm vài ngày. Dành hẳn một ngày lòng vòng trung tâm Bangkok. Do lần này là “business trip”, để không mang vác nhiều, Peter bỏ Nikon ở nhà. Mới sắm em điện thoại Google Pixel 2, sẵn lôi ra test hàng.
Điện thoại ngày nay chụp ảnh đẹp hơn rất nhiều. Hàng triệu tấm ảnh du lịch được post lên các trang mạng hàng ngày cho thấy xu hướng chụp ảnh bằng điện thoại phần nào đã thay thế máy ảnh.
Google Pixel 2 ở Việt Nam thì ít người biết ngoài dân công nghệ. Trong khi các hãng điện thoại chạy đua phần cứng, thêm nhiều camera vào điện thoại (ít nhất là 2 cái) thì Google thì đi ngược lại xu thế này. Trung thành với 01 ống kính và đầu tư vào phần mềm, các thuật toán để tăng chất lượng ảnh.
Trong bài viết này, Peter kết hợp ảnh chụp từ Google Pixel 2 để chia sẻ các trải nghiệm một ngày lòng vòng trung tâm Bangkok. Xem ảnh để biết Google có làm điện thoại nhé.
Vào trung tâm Bangkok bằng gì?
Mấy ngày họp hành, Peter ở Le Méridien gần sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Khách sạn này xa trung tâm và khá biệt lập, bao quanh là sân golf, vào đây rồi thì coi như khỏi ra ngoài. Ngày họp xong, khách sạn đưa ra lại sân bay, từ đây tự túc 🙂 .
Từ sân bay Suvarnabhumi vào trung tâm Bangkok thì tàu điện (Airport Rail Link) là phương tiện tốt nhất. Chỉ với 45 baht, tức chỉ khoảng 30 nghìn đồng là vào thẳng trung tâm sau Bangkok 30 phút. Bao nhanh và rẻ hơn rất nhiều lần các phương tiện khác.
Vì vậy, nếu bay Vietnam Airlines, Vietjet hay Thai Airways, sẽ đáp Suvarnabhumi, nhớ đi tàu điện vào. Còn nếu bay Air Asia, Nok Air sẽ đáp ở Don Mueang, một sân bay khác ở Bangkok, nhỏ hơn. Muốn tiết kiệm thì chịu khó đi xe bus công cộng hoặc Grab. Mình thấy tuyến tàu điện BTS nối từ Mochit đi Don Mueang đang xây gần xong. Hi vọng 1, 2 năm nữa từ Don Mueang về trung tâm Bangkok sẽ ngon lành.
Ở Bangkok, để đi loanh quanh thành phố, cứ theo các tuyến BTS (sky train) hoặc Subway, hoặc MRT, nói chung là tàu điện mà làm tới. Hệ thống tàu điện của Bangkok ngày nay đã tốt hơn rất nhiều, kết nối được hầu hết các điểm cần đi ở trung tâm Bangkok. Đây là phương tiện tốt nhất tính về cả thời gian và tiền bac, trừ khoản hơi mỏi chân. Mang theo một đôi giầy đi bộ là được.
Chơi gì ở Bangkok?
Vào trung tâm rồi thì đi đâu chơi?. Nếu đi Bangkok lần đầu, các điểm tham quan như Cung Điện Hoàng Gia ( Grand Palace), Chùa Phật nằm (Wat Pho), thuyền trên sông Chao Phraya,… là những điểm cần đi. Còn nếu đã đến Bangkok vài lần, thì cứ ăn uống và mua sắm mà phang tới.
Các trung tâm thương mại, shopping mall ở Bangkok nằm san sát nhau. Mà cái nào cũng to vật vã. Nếu shopping nhiệt tình, một ngày chỉ đi được 2,3 cái là cùng. Không hiểu người ta mở lắm trung tâm mua sắm vậy để làm gì.
Nếu lấy Siam Paragon làm điểm xuất phát, xung quanh shopping mall này có thể kết nối với các trung tâm mua sắm khác như Siam Center, Siam Discovery, Siam Square hay MBK. Nhiêu đó thôi là thấy mệt rồi. Trong đó Siam Paragon là lớn nhất và nổi tiếng. Peter không phải tín đồ shopping, vì vậy mình dành ưu ái cho việc ăn uống ở đây hơn.
Cứ Siam Paragon mà chén
Bangkok là thế giới của ẩm thực, nhất là các món ăn đường phố. Nếu đến Bangkok lần đầu, cứ việc khám phá các điểm ăn uống đúng kiểu địa phương hay chính gốc. Ví dụ trải nghiệm món tôm càng nướng như Peter đã từng chia sẻ. Còn nếu đã đi vài lần, xin mời vào Food Gallery của Siam Paragon cho phẻ.
Tất cả các món ăn ở Siam Paragon rất đã, đường phố kiểu gì cũng có. Và được nâng tầm cao hơn về độ hoành tráng, bắt mắt, đa dạng và chắc chắn an toàn thực phẩm hơn, tốt cho ai íu bụng. Đi một vòng khu vực food court, chắc chắn không thể làm ngơ trước ít nhất vài món.
Ngoài các món ăn thuần Thái, các món Âu Á khác cũng có đủ. Có một khu vực riêng cho các nhà hàng fine dinning, tạm dịch là “sang trọng có gu riêng”. Bạn có thể chọn Another Hound, The Grill Tokyo, hoặc Four Season để thử một bữa ăn có vị lạ, trình bày đẹp mắt trong không gian sang trọng nhưng giá cả hợp lý.
Trong Siam Paragon, mình cực kì thích lượn lờ khu vực siêu thị Gourmet Market để mở mang tầm mắt. Các gian hàng thực thẩm và trái cây ở đây được nhập về từ khắp thế giới với nhiều món độc lạ. Chất lượng miễn bàn và giá cả trên trời, tất cả đều có thể tìm thấy ở đây.
Đừng quên Central World và Big C
Từ Siam Paragon, theo đường đi bộ hành bên dưới sky train khoảng 5 phút thì đến một khu vực shopping khác nổi tiếng không kém, Central World. Xung quanh Central World thì có các shopping mall khác như Grayson, Erawan, Amarin.
Không nhắc tới Big C đối diện Central World thì thiệt thiếu xót. Nếu qua Thái mà cảm giác “xa xứ”, muốn nghe tiếng việt, cứ vào Big C dạo là hết buồn ngay. Big C là chỗ mua sắm, hay nói đúng hơn là chỗ mua đồ về làm quà của đại đa số khách Việt. Mà công nhận, ở đây có nhiều thứ để mua thiệt, nhất là quà bánh. Vì vậy, đi Thái về, có muốn mua gì về làm quà, mời vào Big C. 🙂
Nếu một ngày với nhiêu đó trung tâm thương mại để mua sắm và ăn uống là chưa đủ thì mời đi dạo một vòng thành phố. Hoặc ghé chợ cuối tuần Chatuchak vào buổi chiều cho mát, và để cảm nhận không khí địa phương.
Chia sẻ một số trải nghiệm loanh quanh Bangkok và minh họa bởi Google Pixel 2. Từ nay Peter đã có thể thỉnh thoảng để Nikon ở nhà cho nhẹ. Highly recommend cho bạn nào thích du lịch và chụp hình bằng điện thoại.