Núi Rừng

Đổ đèo Ô Quy Hồ, cung đường đèo dài nhất Việt Nam

deo-o-quy-ho

Trong hành trình leo Fansipan, Peter Lâm nán lại Sapa chơi thêm vài ngày vì cũng khá lâu mới có dịp quay lại. Nhìn chung Sapa không thay đổi gì nhiều, trừ nhà cửa, khách sạn có phần đông đúc. Ngoài việc dạo chơi, ăn uống một vòng thị trấn, mình dành thêm nữa buổi để trải nghiệm đường đèo Ô Quy Hồ, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.

Đèo Ô Quy Hồ không phải là con đèo nguy hiểm nhất nhưng lại là đường đèo dài nhất Việt Nam. Với hơn 40km đèo dốc quanh co liên tục, cung đường đèo bắt đầu từ khu vực tiếp giáp giữa thị trấn Sapa và tỉnh Lai Châu, chạy dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn trên quốc lộ 4D xuống đến huyện Tam Đường, Lai Châu. Ô Quy Hồ cũng là con đèo cao nhất Việt Nam vì khu vực đỉnh đèo cao xấp xỉ 2,000m. Kết hợp độ cao của đỉnh đèo và quanh năm mây phủ nên người dân gọi nơi đây là cổng trời.

đèo Ô Quy Hồ
Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ nhìn từ vệ tinh, ảnh Google maps
Đỉnh đèo quanh năm mây phủ

Mình chọn phương án thuê xe máy xuất phát từ Sapa tầm 10h sáng, theo hướng đi Thác Bạc, đến Trạm Tôn, để bắt đầu đổ dốc đèo Ô Quy Hồ, sau đó đi ngược lên lại. Lúc mình đến thì mây phủ khá dày nên quyết định đổ dốc trước và đi ngược lên lại đỉnh đèo ăn trưa, đợi mây tan và săn ảnh.

Cảnh đèo đoạn gần Sapa

Thác Bạc thấp thoáng
Con đường quanh co đoạn gần cổng trời

Cung đường đèo thoắt ẩn thoắt hiện trong làn mây dày đặc ở một số đoạn quanh co, tầm nhìn chỉ vài met trước mặt. Ớn nhất là mấy đoạn có xe tải vì hầu như không thấy gì và đường hẹp. May mà lượng xe tải không nhiều, kể cả xe máy nên ngoài vài đoạn thót tim thì còn lại đổ đèo bon bon.

Mây mù dày đặc
Ớn nhất là mấy chiếc xe tải chạy kín đường

Vì cắt ngang lưng dãy núi Hoàng Liên Sơn nên 40 km đèo Ô Quy Hồ là con đường quanh co liên tục tuy không nhiều các đoạn cùi chỏ. Đường đèo mát lạnh, mây bay vắt vẻo, rừng cây xanh mát, xa xa là các dãy núi hùng vĩ. Một số đoạn là các thửa ruộng bậc thang của các bản người dân tộc nằm chênh vênh bên triền núi. Càng đi xuống theo địa phận tỉnh Lai Châu thì con đường rõ ràng hơn, ít mây mù, có nắng ấm áp.

Các khúc cua ngoằn ngèo

Vài khúc cua gấp
Các nhóm phượt khác đi cùng
Ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi
Đoạn cuối đèo
Tự sướng một tấm

Đổ đèo chừng hơn 20km thì mình đi ngược lên vì đoạn còn lại ít quanh co và đi xuống gần chân núi. Quay lại khu vực đỉnh đèo (cổng trời), mây vẫn phủ kín lối và không có dấu hiệu cho thấy trời sẽ bớt mây. Theo kinh nghiệm mấy ngày leo núi và để ý thời tiết, nếu đi vào sáng sớm trời sẽ quang hơn, càng về trưa thì trời sẽ nhiều mây.

Khu vực đỉnh đèo có nhiều quán (lán) nghỉ chân bán thịt xiên nướng, món khoải khẩu của mình. Nhìn tới nhìn lui cuối cùng chọn được một quán để ngồi ăn. Các xiên thịt nóng hổi mới nướng xong, giòn rụm bên ngoài, mềm thơm bên trong, nước chấm có hạt mắc khén và ăn kèm với các ống tre cơm lam rất ngon. Nhớ lại cảm giác ngồi ăn thịt nướng ở đèo Thung Khe năm trước đi Mộc Châu. Bữa trưa thanh đạm nhưng ngon lành.

Các lán nghỉ khu vực đỉnh đèo, công trời
Món thịt xiên cơm lam yêu thích

May mắn khi bữa trưa kết thúc thì trời bớt mây, để lộ ra toàn bộ cảnh đèo với các con đường cắt ngang lưng núi cheo leo, ngoằn ngèo không thể ấn tượng hơn. Happy ending cho một ngày trải nghiệm đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam.

Đèo Ô Quy Hồ
Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ

Share